Trang thông tin điện tử

Xã Hành Trung

Đảng ủy, HĐND, UBND,UBMTTQ Việt Nam phường đi thăm các trường học trên địa bàn phường nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyển đổi số để xây dựng chính quyền thân thiện

Huyện ủy Nghĩa Hành đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU ngày 6/11/2023 về chuyển đổi số huyện Nghĩa Hành đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với những mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Qua đó, đã tạo động lực để huyện Nghĩa Hành có bước đột phá trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, trọng tâm là phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. 

Nhiều giải pháp hỗ trợ người dân

Hiện nay, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đã và đang trở thành thói quen của người dân huyện Nghĩa Hành. Chị Võ Thị Quỳnh Trâm, chủ tiệm tạp hóa tại thôn Ba Bình, xã Hành Thịnh cho biết, lúc mới triển khai, nhiều khách hàng cũng lúng túng và chưa yên tâm với việc thanh toán qua mã QR. Tuy nhiên, sau khi được hướng dẫn và sử dụng thành thạo các thao tác, hầu hết khách hàng quen dần với giao dịch chuyển, nhận tiền qua mã QR vì nhanh và thuận tiện.

Tương tự, bà Lương Thị Cảm, ở thôn Đồng Giữa, xã Hành Tín Đông, cũng dần quen với việc thanh toán không dùng tiền mặt sau một thời gian ngắn tiếp cận với hình thức giao dịch qua mã QR hoặc tài khoản ngân hàng. Bà Cảm cho biết, lúc đầu tôi lo giao dịch qua mã QR hay tài khoản ngân hàng sẽ phức tạp, gặp rủi ro, nhưng sau khi được cán bộ Agribank - Chi nhánh Nghĩa Hành hướng dẫn, hỗ trợ, tôi thấy phương thức thanh toán này dễ thực hiện, nhanh chóng và an toàn.

Việc ứng dụng thanh toán trực tuyến đã mang lại nhiều tiện ích cho người bán lẫn khách hàng, nhất là khi họ không cần phải mang theo tiền mặt. Theo Trưởng phòng VH - TT huyện Nghĩa Hành Vũ Thị Kim Loan, người dân bắt đầu sử dụng hình thức thanh toán trực tuyến kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhưng không thường xuyên, vì nhiều chủ cửa hàng chưa trang bị mã QR. Hiện nay, không chỉ người dân, chủ các cửa hàng tạp hóa, mà tiểu thương tại chợ cũng đăng ký và sử dụng thành thạo mã QR, ví điện tử. Hơn nữa, việc thanh toán trực tuyến cũng được 100% cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở khám, chữa bệnh... cũng như bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã triển khai. Nhờ đó, ngày càng nhiều người dân thanh toán trực tuyến trong thu, nộp thuế hoặc các khoản phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), cũng như thanh toán tiền điện, nước...

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân tại các xã chưa thay đổi được thói quen sử dụng tiền mặt. Chủ cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng Triệu Phong, ở thôn An Hòa, xã Hành Dũng Trần Quốc Triệu cho biết, phương thức thanh toán trực tuyến chỉ được số ít khách hàng trẻ tuổi sử dụng, vậy nên cùng với trang bị mã QR, tôi luôn chuẩn bị tiền mặt để phục vụ khách hàng, nhất là với những người lớn tuổi, họ không có điện thoại thông minh, cộng với tâm lý e ngại, sợ rủi ro, mất an toàn trong sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến.

Để thay đổi dần thói quen tiêu dùng tiền mặt của người dân, bên cạnh nỗ lực của chính quyền, các hội, đoàn thể địa phương, thì các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn huyện cũng tích cực đẩy mạnh thông tin, hướng dẫn sử dụng các hình thức thanh toán đến người dân, gắn với đa dạng hóa và gia tăng tiện ích các dịch vụ. Giám đốc Agribank - Chi nhánh Nghĩa Hành Nguyễn Vũ Hảo cho biết, nhằm tạo điều kiện để người dân khu vực nông thôn dễ dàng tiếp cận và sử dụng các hình thức thanh toán trực tuyến, Agribank - Chi nhánh Nghĩa Hành chủ động phối hợp với các ngành điện, bảo hiểm, trường học, cửa hàng, siêu thị... để phát triển 12 nghìn tài khoản thẻ, gắn với đa dạng các hình thức giao dịch thanh toán nhanh qua mã QR, máy POS... Qua đó, từng bước giúp khách hàng tiếp cận, làm quen và sử dụng phương thức thanh toán trực tuyến thay vì dùng tiền mặt.

Phát triển chính quyền số

Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm nhấn mạnh, những năm qua, huyện Nghĩa Hành nỗ lực triển khai thực hiện, hướng đến xây dựng và phát triển chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Đến nay, 100% cơ quan nhà nước cấp huyện và cấp xã triển khai sử dụng Phần mềm Quản lý văn bản điện tử và điều hành dùng chung (https:// office.quangngai.gov.vn) theo mô hình quản lý cơ sở dữ liệu tập trung, liên thông 4 cấp, có sử dụng chữ ký số để trao đổi văn bản điện tử. Tỷ lệ sử dụng văn bản điện tử tại các cơ quan, đơn vị thuộc huyện đạt trên 95% và cấp xã đạt hơn 90%; tỷ lệ ký số văn bản trên địa bàn huyện đạt hơn 95%... Từ đó đã đẩy nhanh quá trình giải quyết công việc theo chỉ đạo, điều hành của cấp trên, cũng như nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đơn cử như tại bộ phận một cửa xã Hành Đức. Dù có khá đông người dân đến giải quyết các TTHC nhưng các hồ sơ được xử lý rất nhanh. Đặc biệt, khu vực này còn trang bị màn hình để người dân tra cứu thông tin, TTHC có liên quan. Chủ tịch UBND xã Hành Đức Nguyễn Sĩ Hải cho biết, các công chức tại bộ phận một cửa luôn phối hợp, hỗ trợ từ khâu tiếp nhận, giải quyết đến trả kết quả. Vì vậy, hầu hết các TTHC mà người dân yêu cầu đều được giải quyết nhanh chóng, không phải đi lại nhiều lần. Hành Đức là 1 trong 12 xã, thị trấn của huyện Nghĩa Hành thực hiện mô hình chính quyền thân thiện, điểm nhấn trong xây dựng chính quyền số.

Bên cạnh đó, dịch vụ công trực tuyến cũng được huyện chú trọng thực hiện, với 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp ở mức độ dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện, cấp xã được công khai trên cổng thông tin điện tử của địa phương. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 và 28 lĩnh vực khác theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Điều này giúp người dân và doanh nghiệp được hỗ trợ giải đáp thắc mắc về giải quyết TTHC bất cứ khi nào cần.

Bà Nguyễn Thị Nguyên, ở thôn Tân Phú, xã Hành Tín Tây cho biết, khi đến bộ phận một cửa của huyện để cài đặt tài khoản định danh điện tử mức độ 2, tôi rất lo lắng vì bản thân sử dụng chưa thành thạo các chức năng của điện thoại thông minh, nên sẽ mất thời gian kê khai nhiều loại giấy tờ, thủ tục. Tuy nhiên, cán bộ tại đây tận tình hỗ trợ, từ việc cài đặt, khai báo các thông tin đến hướng dẫn sử dụng. Không những vậy, cán bộ còn giúp tôi cài đặt các loại giấy tờ tùy thân, thẻ căn cước công dân, BHYT... nên rất thuận lợi khi đi khám, chữa bệnh, hoặc thực hiện những hồ sơ, thủ tục khác.

Theo ông Sâm, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, kế hoạch của chuyển đổi số, huyện chỉ đạo các địa phương duy trì hoạt động tổ công nghệ số cộng đồng, nhằm tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai nền tảng công dân số và phát triển tài khoản thanh toán điện tử đến các tổ chức, cá nhân. Qua đó, tăng tỷ lệ người dân sử dụng các hình thức thanh toán trực tuyến, chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân... góp phần phát triển xã hội số. Phấn đấu đến năm 2025, huyện có 50% người dân trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân, tạo nền tảng để hiện đại hóa nền hành chính.

Mỹ Hoa


Thông tin cần biết

noData
Không có dữ liệu

Tin tức - Sự kiện

Thông tin tuyên truyền

Y tế- sức khỏe- dinh dưỡng

Thông tin tiện ích

Thống kê truy cập

Đang online: 1
Hôm nay: 1
Hôm qua: 66
Năm 2025: 37.241
Tất cả: 37.241